Trung Cổ Ngựa_trong_chiến_tranh

Hồi giáo

Đội kỵ binh của quân Ả rập trong một trận đánh

Người Ả Rập ở vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên dã quyết định chinh phục cả thế giới bằng những đội kỵ mã tài ba. Với những con ngựa chiến thuộc giống ngựa Ả rập, họ có thể phi qua sa mạc mà có thể không phải quá chú trọng vào việc nghỉ ngơi, ăn uống và con ngựa tốt đối với người Ả Rập là một tài sản quý giá. Giống ngựa Ả Rập ra đời vào khoảng thế kỷ 6. Trong khi các hiệp sĩ châu Âu rất ưa chiến đấu trên lưng ngựa đực, còn các kỵ binh Ả Rập ngược lại, rất thích ngựa cái vì ngựa cái phi êm hơn, không hay đòi ăn, dễ phục kích kẻ địch vì chúng không hay hí hoặc tự tiện hí vang.

Ngựa này còn dùng trong thông tin liên lạc, phi nước kiệu là kiểu vận chuyển rất nhanh của ngựa. Kỷ lục chạy nhanh nhất của ngựa ở cự ly 150m là 66 km/h. Giống ngựa Ả Rập có thể chạy liên tục 250 km suốt ngày đêm trong những điều kiện khó khăn. Do đó, từ lâu nhiều nước trên thế giới người ta dùng ngựa trạm để đưa thư, công văn và thông tin liên lạc. Từ kế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ thứ 11, người Moor ở Bắc Phi đã dùng kỵ binh chiếm chọn cả vùng này và đe doạ đến nước Tây Ban Nha (đã tiến chiếm gần ½ bán đảo Tây Bồ). Dòng máu của giống ngựa Bắc Phi hoà cùng dòng máu ngựa địa phương đã cho ra đời giống ngựa Andalou nổi tiếng sau này và phát triển cả ở châu Âu.

Châu Âu

Vào thời Trung Cổ ở châu Âu các hiệp sĩ phương tây thường dùng các giống ngựa to con và bình tĩnh để chở cả người và trọng lượng áo giáp cồng kềnh (và đặc biệt chỉ sử dụng ngựa đực). Đến lúc truy đuổi kẻ thù, ngựa phải tỏ ra nhanh nhẹn và dai sức khi phi nước đại. Con ngựa chiến nổi tiếng có thể kể đến trong thời kỳ này là con Bavieca hay Babieca của El Cid đã cùng vị hiệp sĩ này chinh chiến nhiều năm, giành nhiều vinh quang. Tuy vậy, đôi khi kỵ binh ở châu Âu bị khuất phục trước cung tên ví dụ như trong trận Crécy giữa Anh và Pháp, các cung thủ Briton của Anh dựa vào vị trí hiểm trở và cung nỏ tốt đã đánh bại đội kỵ binh của quân Pháp.

Mông Cổ

Kỵ binh Mông Cổ trong một trận đánh

Vào thế kỷ 13 sau Công nguyên vó ngựa quân Mông Cổ tung hoành khắp nơi. Giống ngựa Mông Cổ bắt nguồn từ những đồng cỏ phương Bắc với vóc dáng có phần nhỏ hơn, chân ngắn hơn, bờm và đuôi rậm hơn, song chúng ít đòi hỏi chăm sóc, sức chịu đựng tốt, có thể sống quanh năm bằng cỏ mọc trên thảo nguyên, đặc biệt thích nghi tốt với khí hậu cận nhiệt đới. Có Trong suốt thế kỷ XIII, vó ngựa của quân xâm lược Mông Cổ đã tung hoành khắp nơi. Với sức mạnh quân xâm lược Mông Cổ đã bành trướng xuống phía Nam, ngựa Mông Cổ có thể nói là phương tiện duy nhất để di chuyển đại quân từ Á sang Âu. Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu thì cỏ không mọc được, đến đâu thì bình địa đến đó, máu chảy đầu rơi, xơ xác.

Đội kỵ binh của Thành Cát Tư Hãn sở hữu sức mạnh đáng gờm, sự thiện chiến đáng kinh ngạc, mỗi lần vó ngựa của quân Mông Cổ đi đến đâu là chiến thắng vang dội ở đó. Dưới sự thống lĩnh của một thiên tài quân sự kiệt xuất và một đội kỵ binh bất bại, họ đã tạo ra một đế chế rộng lớn và hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, đội kỵ binh Mông Cổ được chỉ huy bởi một thiên tài quân sự kiệt xuất mọi thời đại là Thành Cát Tư Hãn. Về phương diện chiến lược, Thành Cát Tư Hãn có một tập chiến lược để đời được hậu nhân đặt là chiến lược "Đại vu hồi". Đây chính là sự vận dụng tài tính kỹ thuật trong vây bắt khi đi săn bắn của dân Mông Cổ vào trong chiến đấu. Rất nhiều thành lũy vững chắc đã trở thành "con mồi" trong các cuộc vây bắt của đội kỵ binh Mông Cổ.

Một trong đặc điểm nổi bật của chiến lược "Đại vu hồi" đó là tạo ra nhiều vòng vây kín quân địch, cắt đứt mọi tai mắt và hậu phương của kẻ địch, kép chặt và cô lập quân địch vào giữa vòng vây, không cho quân địch con đường thoát. Một nhà sử học thời Tống viết: "Người Thát lớn lên trên lưng ngựa, tự luyện tập chiến đấu từ mùa Xuân đến mùa Đông, ngày ngày săn bắn, đó chính là cách sống của họ. Về đánh trận họ lợi ở dã chiến, không thấy lợi thì tiến quân... trăm quân kỵ quay vòng, có thể bọc được vạn người. Nghìn quân kỵ tản ra có thể dài đến trăm dặm. Kẻ địch hợp lại thì họ cũng hợp lại, hoặc tản ra, hoặc ẩn hoặc hiện, đến thì như trên trời xuống, đi thì nhanh như chớp giật... Họ mà thắng thì đuổi theo địch chém giết không để trốn thoát, họ mà thua thì chạy rất nhanh đuổi không kịp".

Để phát huy sức mạnh của các đội kỵ binh, không chỉ phát huy lợi thế di chuyển nhanh, quân Mông Cổ thường dùng bài chia rẽ lực lượng quân địch và áp đảo các cánh quân lẻ bằng cung nỏ. Họ tìm các phong tỏa hoặc vây hãm kẻ thù và chiếm lợi thế về quân số tại điểm tấn công. Ngựa cưỡi của quân kỵ bị tấn công, họ đẩy kỵ binh địch khỏi lưng ngựa để dễ dàng tiêu diệt. Các trận chiến thường diễn ra rất nhanh và ào ạt làm nên chiến thuật của người Mông Cổ là thần tốc, ào ạt và hủy diệt. Tốc chiến tốc quyết tựa sấm đánh không kịp bưng tai.Trong khi đó, lực lượng kỵ binh nhẹ Mông Cổ không đủ khả năng chống đỡ khi đánh sát với kỵ binh trang bị giáp, thì họ tránh giao đấu giáp lá cà. Lính Mông Cổ chọn giải pháp "bỏ chạy" rất nhanh rồi bất ngờ quay ngược trở lại và lại chuyển thành người săn đuổi, thực hiện đòn hồi mã cung. Họ cũng rất giỏi trong việc đánh úp, đột kích kẻ địch.

Việt Nam

Khắc gỗ thời Trần tk 13: tập võ, bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Kỵ binh đâm thương bằng cả hai tay thay vì kẹp thương dưới nách như kỵ sĩ châu Âu.Kỵ xạ thế kỷ 17. Chạm gỗ cảnh săn hổ- đình Hạ Hiệp-Hà Tây.

Nỗ lực xây dựng lực lượng kỵ binh được ghi chép sớm nhất trong sử sách Việt Nam là dưới triều nhà Lý. Năm 1170, nhà vua cho xây Xạ đình (trường bắn) ở Nam Hoàng Thành. Ngoài học kinh vở, binh pháp, 1 nội dung bắt buộc trong hệ thống giáo dục cho con em quý tộc thời Lý là luyện tập cưỡi ngựa bắn cung. Tập tục này trở thành chuẩn mực cho các triều đại về sau. Trong các kỳ thi tiến sĩ võ, ban võ nghệ đầu tiên được thao diễn bao giờ cũng là cưỡi ngựa. Thời Lê Thánh Tông, trong 66 Ty ở Kinh đô, có 7 Ty cung nỏ, trong đó có Ty Kỵ Xạ, Ty Du Nỗ, Tráng Nỗ, Kính Nỗ, Thần Tý. Trong 51 Vệ ở kinh đô, có Vệ Kỵ Xạ chia làm 5 sở, lại có 4 vệ Mã Bế.[24] Khi hỏa khí xuất hiện, kỵ xạ cũng dần dần mai một bởi hỏa khí dễ sử dụng, dễ chế tạo và có sức công phá vượt trội. Lê Quý Đôn ghi lại rằng nhà Lê Trung Hưng từ năm 1724 trở về sau vẫn còn có môn cưỡi ngựa bắn cung trong thi Bác Cử.[25] Nhưng trong Thượng Kinh Phong Vật Chí, ông cho biết thời đại ông người ta đã bãi bỏ cưỡi ngựa bắn cung, và thay bằng nội dung cưỡi ngựa bắn súng trong khoa cử.[26]

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ tục biên ghi nhận thời Nam Bắc triều, quân Trịnh theo phò nhà Lê có lực lượng kỵ binh khá mạnh. Trịnh Tùng từng sử dụng 400 quân thiết kỵ làm trợ chiến để đẩy lùi cuộc xâm lấn của quân Bắc triều. Năm 1592 ông huy động tới 5000 kỵ binh nặng, trang bị giáp sắt cho cả ngựa để vây hãm Đông Kinh của nhà Mạc[27] William Dampier, một nhà du hành từng đến Đàng Ngoài năm 1688 có ghi nhận là quân đội chúa Trịnh có chừng 70.000-80.000 quân thường trực, trong số đó hầu hết là bộ binh trang bị súng tay, ở kinh thành chúa có thường trực voi chiến 200 thớt, ngựa chiến 300 con, nuôi béo khỏe. Ngựa trung bình cao 140 cm đến vai, kích cỡ tương đương các nòi ngựa để cưỡi hiện đại.[28] Một ghi chép của người phương Tây về lực lượng quân sự Đàng Ngoài dưới thời Thanh Đô Trịnh Tráng cho rằng vào năm 1640 nhà chúa có dưới trướng hơn ba mươi vạn bộ binh, hai ngàn thớt voi trận và một trăm lẻ hai ngàn quân kỵ(!).[29] Con số này đáng nghi vấn. Tuy nhiên ghi chép này cũng cho người đời sau thấy được ấn tượng của những người ngoại quốc về 1 quân đội Đại Việt hùng cường toàn diện, từ thủy binh, bộ binh đến kỵ, tượng binh.